Hội nghị trực tuyến về Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long
Sáng ngày 12/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp nghe báo cáo Đề án Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phiên họp kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm cùng đại diện sở ngành có liên quan tham dự.
Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Long An
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng, hoàn thành dư thảo Đề án Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, công tác phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn còn đối mặt với 3 thách thức chủ yếu: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; gia tăng hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong; sự phát triển đô thị, các hoạt động kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các kết quả nghiên cứu, hầu hết các vùng ở đồng bằng sông Cửu Long đều xảy ra lún từ 0,5-3 cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5-2,5 cm/năm. Thời gian xảy ra sụt lún thường xuất hiện trong mùa khô, đặc biệt là tại những năm hạn hán kéo dài.
Về thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, từ năm 2016 đến nay đã xuất hiện 812 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 1.191 km, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 315 điểm/601 km (sạt lở bờ sông 214 điểm/254 km, sạt lở bờ biển 101 điểm/347 km).
Trong 20 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long chỉ có lũ vừa đến nhỏ, thời gian chỉ từ 3-4 tháng so với 5-6 tháng như trước đây, tuy nhiên, ngập úng do triều cường và mưa có xu thế ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện 3 đợt hạn hán, xâm nhập mặn mức độ nặng, có 2 đợt cao lịch sử là mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020.
Đề án Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; đảm bảo tính tổng thể, kết hợp đa mục tiêu; lấy chủ động phòng ngừa là chính, trong đó chú trọng quản trị rủi ro; bảo vệ môi trường giữa các vùng sinh thái ngọt - lợ - mặn; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Phiên họp kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận các nhóm giải pháp công trình và phi công trình trong phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý; báo cáo Bộ Chính trị tình hình triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long… đồng thời xây dựng Chương trình chi tiết, cụ thể triển khai ngay từ năm 2025 theo tinh thần "nói và hành động".
Trong đó, chương trình phải đề xuất cụ thể phạm vi, mục tiêu, giải pháp (công trình và phi công trình), cơ chế quản lý, danh mục dự án, nguồn kinh phí… Mục tiêu là giải quyết những vấn đề trước mắt, cấp bách, không hối tiếc, một cách xuyên suốt, liên hoàn, phát huy hiệu quả tổng thể của các công trình phù hợp với 3 vùng sinh thái ngọt - lợ - mặn, kết hợp hài hòa giữa thủy lợi và giao thông./.
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH LONG AN