Tổ Khuyến nông cộng đồng - Mắt xích kỹ thuật trong thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Tổ Khuyến nông cộng đồng đã được thành lập và đang là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong triển khai, thực hiện các dự án nông nghiệp, trong đó nổi bật hiện nay là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp).
Tổ chức tham quan cho Tổ KNCĐ tại HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, Thủ Thừa, Long An
Thời gian qua công tác khuyến nông nhìn chung còn nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, ứng dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc,… Chính vì vậy, sự ra đời của Tổ Khuyến nông cộng đồng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho nhân viên khuyến nông có thể chủ động trong việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho sự đổi mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với chức năng, nhiệm vụ chính của Tổ Khuyến nông cộng đồng là hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về kỹ thuật, công nghệ, về khuyến nông; Hỗ trợ, tư vấn, vận động thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; Hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, hợp tác xã về phát triển thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông
nghiệp trên địa bàn xã và vùng lân cận. Nên ngay từ khi Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp được triển khai, Tổ Khuyến nông công đồng đã chủ động tham gia không chỉ với vai trò là người chịu trách nhiệm chuyển giao các quy trình kỹ thuật mà còn là lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã (vận động, tư vấn thành lập HTX, tư vấn tổ chức sản xuất,...) và thực hiện liên kết sản xuất.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp cũng đã đạt được kết quả bước đầu khi thực hiện các mô hình điểm cho thấy chi phí đầu vào giảm từ khoảng 20% - 30% (nhờ giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới,...), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha so với canh tác truyền thống, tăng lợi nhuận khoảng 20% (do giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng năng suất khoảng 10%, giá bán cao và ổn định, hầu hết sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp bao tiêu,…). Để Đề án có được kết quả bước đầu khả quan này là nhờ sự nỗ lực chung của cả ngành nông nghiệp, trong đó có Tổ Khuyến nông cộng đồng. Tổ Khuyến nông cộng đồng đã thể hiện tốt vai trò của mình là người chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân, là người trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch, đo lường các chỉ tiêu, là cầu nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong ký kết hợp đồng bao tiêu, kết nối đầu ra - đầu vào; tư vấn chính sách và truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất lúa gạo phát thải thấp,… Chính vì vậy, Tổ Khuyến nông cộng đồng được xem là mắt xích quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án.
Trong giai đoạn hiện nay, khi ngành nông nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp”, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm và bền vững, Tổ Khuyến nông cộng đồng đã và đang từng bước nâng cao hơn nữa năng lực tổ chức, quản lý, kinh tế, thị trường đế đáp ứng kịp thời với nhu cầu của người sản xuất nông nghiệp và mục tiêu mà Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp đề ra./.
(Nguyễn Thị Hiếu Dân/Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Long An)