Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về Phát triển mạng lưới thủy lợi
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 là cơ sở quan trọng để các cấp ủy đảng chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội địa phương, trong đó công tác quy hoạch phát triển mạng lưới thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đề xuất đầu tư, cũng như xác định các danh mục dự án ưu tiên đầu tư công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững cho tỉnh nhà.
Thủy lợi là yếu tố cốt lõi trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nông thôn. Các công trình như kênh, mương, cống, hồ chứa không chỉ giúp điều tiết nguồn nước mà còn giảm thiểu rủi ro từ thiên tai, đặc biệt là hạn hán và lũ lụt. Đúc kết kinh nghiệm canh tác trong sản xuất nông nghiệp từ ngàn xưa ông bà ta có câu tục ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong đó “Nước” được đặt lên hàng đầu, khẳng định vai trò sống còn của nước đối với cây trồng cho thấy tầm quan trọng của nguồn nước và phát triển hạ tầng thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt đối với tỉnh thuần nông như Long An.
Tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 4192/QĐ-UBND ngày 02/5/2024 của UBND tỉnh Long An về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định quy hoạch phân kỳ đầu tư phương án phát triển công trình thủy lợi giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 gồm có 57 danh mục công trình thủy lợi. Trong đó: Đầu tư nâng cấp bổ sung hệ thống đê bao bờ bao cặp theo kênh cấp 1, cấp 2 là 09 công trình với tổng chiều dài 262,6 km; Củng cố, nâng cấp, cải tạo 05 đoạn đê xung yếu chống sạt lở đảm bảo an toàn chống lũ, triều cường (phía bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây) huyện Châu Thành; Cải tạo 12 công trình kênh trục với 337,1 km; Xây mới 07 kè chống sạt lở (gồm Dự án Kè sông Vàm Cỏ Tây, Dự án kè sông Vàm Cỏ Đông; Kè sông Cần Giuộc; Dự án kè khu vực đô thị Thủ Thừa; Dự án kè chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây và khu vực đô thị Mộc Hóa; Dự án kè sông Bảo Định; Kè chống sặt lở cặp kênh Dương Văn Dương).
![]()
Xây mới 09 cống dọc Quốc lộ 62 có khẩu độ từ 05m đến 20m trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh (gồm Cống Bến Kè, Rạch Chùa, Trần Lệ Xuân, Bún Bà Cửa 1, Bún Bà Của 2, Kênh 1, Kênh 2, Cái Tôm, Kênh 12 – Hiện tại Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đang tiến hành đầu tư xây dựng, dự kiến nghiệm thu bàn giao các cống nêu trên trong tháng 6.2025) và 01 công trình kiểm soát nguồn nước dòng chính sông Vàm Cỏ trên địa bàn huyện Cần Đước và Châu Thành; Xây dựng mới 04 hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng diện tích khoảng 500 ha (hồ Thạnh An - huyện Thạnh Hóa; hồ Bình Hiệp – TX Kiến Tường; hồ Bàu Biển – huyện Vĩnh Hưng; hồ Hưng Điền – huyện Tân Hưng);
![]()
Đầu tư nạo vét 10 công trình kênh chính tạo nguồn, kênh cấp 1, cấp 2 với tổng chiều dài 484,864 km và đầu tư cải tạo nâng cấp 15 cống đầu mối thuộc Dự án Bảo Định giai đoạn 2 và các cống trên địa bàn huyện Châu Thành, Thủ Thừa, thành phố Tân An. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống trạm bơm Lộc Giang huyện Đức Hòa (trạm bơm Lộc Giang A và trạm bơm Lộc Giang B) để phục vụ bơm nước tưới tiêu cho các mùa vụ, cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều khu vực nông thôn phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
![]()
Đồng thời, Quy hoạch tỉnh cũng đã xác định 09 dự án ưu tiên đầu tư về hạ tầng thủy lợi gồm: Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến cống Rạch Chanh); Kè chống sạt lở đê bao bảo vệ thị xã Kiến Tường; Kè chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc; Kè bảo vệ khu dân cư bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây tại huyện Mộc Hóa; Kè sông Bảo Định (đoạn từ Võ Văn Môn đến ranh Tiền Giang); Công trình cống Rạch Chanh trên địa bàn thành phố Tân An và cống Bắc Đông, huyện Thủ Thừa; ưu tiên xây dựng 02 hồ chứa nước Thạnh An và hồ chứa nước Bình Hiệp.
Việc triển khai quy hoạch phương án phát triển các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo nguổn cung cấp nước tưới, tiêu ổn định, kiểm soát lũ lụt, xói mòn đất, các hệ thống kè, kênh, mương, cống, hồ chứa giúp điều tiết giữ nước trong mùa mưa và cung cấp nước trong mùa khô, giảm thiểu thiệt hại từ các đợt thiên tai bất thường. Đầu tư phát triển các công trình thủy lợi không chỉ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt mà còn giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái, điều này đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn nước ngầm, giảm thiểu ô nhiễm và tạo ra môi trường sống bền vững cho các loài sinh vật.
Quy hoạch phát triển các công trình thủy lợi sẽ tạo định hướng chiến lược mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong xây dựng nền nông nghiệp Long An theo hướng hiện đại, bền vững và tuần hòan, vì vậy công tác quy hoạch đầu tư, xây dựng và quản lý hệ thống thủy lợi cần được chú trọng, nhằm đảm bảo nguồn nước bền vững cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân đặc biệt thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, các giải pháp thủy lợi thông minh, bền vững sẽ góp phần quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh./.10.2 BẢN ĐỒ PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THỦY LỢI PHÒNG- CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH LONG AN-888556.pdf
Trần Linh