Giải pháp từ các quốc gia với bài toán ô nhiễm không khí Việt Nam. Ảnh: Việt Anh
Thách thức từ ô nhiễm không khí
Ghi nhận trong ngày 7.4, các thành phố lớn tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo ứng dụng đo chất lượng không khí IQAir, vào thời điểm 13h, TP Hà Nội đứng thứ 2 thế giới về mức độ ô nhiễm. Thậm chí, khu vực Quảng Khánh (quận Tây Hồ) ghi nhận mức ô nhiễm ngưỡng tím - rất không tốt cho sức khỏe. TPHCM cũng đứng thứ 13 trong danh sách này.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng ô nhiễm hiện nay được đánh giá tới từ nhiều nguồn, trong đó khí thải từ phương tiện giao thông góp phần không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đức (Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam đang có những chính sách cơ bản theo đúng hành lang pháp lý, với hi vọng giảm ô nhiễm từ phương tiện giao thông như kiểm định khí thải, thử nghiệm vùng phát thải thấp, chuyển đổi phương tiện giao thông xanh...
"Chúng tôi đã có sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành khác trong việc xây dựng tiêu chuẩn kĩ thuật môi trường, theo hướng tăng dần mức quy chuẩn theo lộ trình để đảm bảo giảm thiểu tác động từ các phương tiện đang lưu hành. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức về nguồn lực và khả năng thực thi, chúng tôi vẫn cần rà soát và hoàn thiện thêm" - ông Đức cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Đức (Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam vẫn còn thách thức. Ảnh: Linh Chi
Có cùng quan điểm này, PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - bổ sung thêm, sau khi có những chính sách hợp lý, cần đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng. Bởi chính người dân, doanh nghiệp là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp bởi ô nhiễm. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp cộng đồng cùng tham gia vào quá trình này, gỡ bỏ phần nào những khó khăn khi chuyển đổi giao thông xanh.
Áp dụng có chọn lọc bài học từ các quốc gia khác, tránh "bắt cóc bỏ đĩa"
Theo ông Nguyễn Hoàng Đức, các thành phố lớn tại Việt Nam cũng đã và đang học hỏi cách giải bài toán ô nhiễm không khí từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bắc Kinh (Trung Quốc) từng được coi là điểm đen ô nhiễm không khí, khi vào năm 2013, nơi đây từng có thời điểm tỉ lệ bụi mịn PM2.5 đạt mức 900 microgram/m3, cao gấp 90 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau hơn 10 năm với nhiều giải pháp như đóng cửa các nhà máy, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu, niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi... Bắc Kinh đã tạm thời thoát khỏi ô nhiễm không khí.
Hay với Đài Loan (Trung Quốc), một nơi có nhiều xe máy giống Việt Nam, đã xây dựng và triển khai các giải pháp để điện khí hóa toàn bộ xe máy trong tương lai. Ông Nguyễn Hoàng Đức nhấn mạnh, Việt Nam cũng nên áp dụng có chọn lọc những chính sách mạnh tay tương tự, để thực hiện việc đưa ô nhiễm không khí về mức an toàn.
Lượng khí thải lớn từ các phương tiện giao thông là một trong những tác nhân dẫn tới ô nhiễm không khí. Ảnh: Việt Anh
Nói về những giải pháp như thử nghiệm vùng phát thải thấp tại 4 quận nội thành Hà Nội hay áp dụng tiêu chuẩn khí thải, PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, một số quốc gia lớn trên thế giới đã triển khai hiệu quả phương án này.
Có thể kể tới như Ultra Low Emission Zone (vùng phát thải cực thấp) tại Anh nhằm hạn chế các phương tiện không đủ tiêu chuẩn khí thải, hay Umweltzonen (vùng môi trường) tại Đức khi yêu cầu phương tiện phải có nhãn dán môi trường để được phép vào khu vực nhất định...
Việc áp dụng những giải pháp này tại Việt Nam về mục tiêu là tốt, nhưng cần cơ chế giám sát và hỗ trợ quyết liệt. "Ta cần tránh để giải pháp đưa ra một thời gian rồi lại đâu vào đấy. Cần tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", thực thi không hiệu quả dẫn tới người dân nhờn luật" - ông Lê cho biết thêm.
PGS.TS Hoàng Anh Lê cũng đánh giá, nếu đã xác định được nguyên nhân ô nhiễm không khí, cần xem xét kỹ trong lộ trình thực hiện còn gặp khó phần nào để giải quyết hiệu quả. Ví dụ, khi đã có các giải pháp cơ bản về giao thông, phương án kết nối để người dân di chuyển thế nào cũng cần nghiên cứu kĩ lưỡng. Tránh để việc có tàu điện, xe buýt xanh thân thiện giảm phát thải, nhưng lại gây khó cho người dân trong quá trình di chuyển.
Nguồn: Báo Lao Động