image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

INTERNET, MẠNG XÃ HỘI mở thêm không gian giúp trẻ em học tập, giải trí. Song, nó cũng chứa rất nhiều nội dung xấu độc, đặc biệt là những nội dung bạo lực. Điều này luôn tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và nhân cách của trẻ. Những năm gần đây, tình trạng trẻ em tiếp xúc với các nội dung không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội, internet ngày càn g tăng. Lướt qua các trang mạng như Facebook, Tiktok hay Youtube, chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh bạo lực, những nội dung thiếu tính giáo dục dành cho trẻ em. Trẻ em là đối tượng dễ bắt chước, dễ học theo do nhận thức, tâm lý chưa được phát triển hoàn thiện. Thực tế hiện nay không ít các vụ việc trẻ em học và làm theo các thử thách nguy hiểm, các trào lưu trên mạng gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, sức khỏe của trẻ, thậm chí là tử vong. Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường, cơ quan có thẩm quyền cần phải hành động để góp phần làm trong sạch môi trường mạng, bảo vệ trẻ em tránh được những tác động tiêu cực, rủi ro là điều rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Anh-tin-bai

 

I.    QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

 1.   Các quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Khoản 3, 4 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 định nghĩa: Môi trường mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin (mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu). Năm 1997, Việt Nam bắt đầu cung cấp dịch vụ internet và nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê tình hình sử dụng internet tại Việt Nam năm 2023, có 77,9 triệu người đang sử dụng internet, chiếm 79,1% dân số Việt Nam, trong đó gần 1/3 tổng số người dùng có độ tuổi dưới 18 tuổi

 Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên môi trường mạng. Việt Nam đã tham gia hầu hết Điều ước quốc tế về bảo vệ trẻ em và đã ban hành nhiều vănbản quy phạm pháp luật nhằm dựng nên các “lá chắn” vững chắc để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Luật CÔNG NGHỆ THÔNG TIN năm 2006, Luật TRẺ EM năm 2016, Luật BÁO CHÍ năm 2016 và Luật AN NINH MẠNG năm 2018 đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó Luật Trẻ em đã có những quy định và hướng dẫn thực hiện chi tiết đối với vấn đề này. Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Luật nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; Nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Điều 54 Luật Trẻ em cũng đã quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; Cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Nghị định quy định chi tiết về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm: bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; các biện pháp an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng; các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ- TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em.

 về chế tài xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được quy định khá đầy đủ:

-    Về pháp luật hình sự, Điều 147 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm đã quy định các mức xử lý hình sự đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi (trẻ em) trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức (bao gồm trên môi trường mạng). Mức xử phạt tối đa lên đến 12 năm tù giam.

-     Về pháp luật hành chính, Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em đã quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến bảo vệ trẻ em như: Đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; không thực hiện đúng các yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em trên báo chí; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí;.. (báo chí bao gồm cả báo điện tử).

 2.    Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Trẻ em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật: Luật TRẺ EM năm 2016 (Mục I Chương II. Quyền của trẻ em); Luật AN NINH MẠNG năm 2018 (Điều 29. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng); Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ (Điều 33, 34, 35, 36, 37). Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau:

Thứ nhất, về truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

 -    CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; CÁC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÌ TRẺ EM; TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan.

-    CHA, MẸ, GIÁO VIÊN, NGƯỜI CHĂM SÓC TRẺ EM có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

-    TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thứ hai, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng

 -     CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

-     DOANH NGHIỆP KINH DOANH, CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.

-    DOANH NGHIỆP KINH DOANH, CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

-     DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.

-     TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG, CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thứ ba, các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng

 -     THÔNG TIN BÍ MẬT ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ, BÍ MẬT CÁ NHÂN CỦA TRẺ EM là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

-    CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG và CÁ NHÂN khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

-    CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

-    CHA, MẸ, NGƯỜI CHĂM SÓC TRẺ EM, TRẺ EM TỪ ĐỦ 07 TUỔI TRỞ LÊN và CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Thứ tư, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng

 -    CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG và QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẺ EM; TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG, CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.

-    CƠ QUAN CÔNG AN có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

II.    MỘT SỐ TÁC HẠI CỦA MÔI TRƯỜNG MẠNG ĐỐI VỚI TRẺ EM VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH, XỬ LÝ, NGĂN CHẶN

Môi trường mạng tác động đến trẻ em ở cả hai mặt đồng thời là mặt tích cực và mặt tiêu cực. Ở phía tác động tích cực, INTERNET cung cấp kho kiến thức khổng lồ, sinh động, dễ tìm kiếm phục vụ học tập, giải trí lành mạnh; cung cấp môi trường kết nối chia sẻ thông tin rộng khắp, nhanh chóng, tức thời. Ngược lại, ở phía tác động tiêu cực, INTERNET cũng là kho “rác” khổng lồ lẫn lộn gồm cả dữ liệu, thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy và cả sức khỏe của trẻ em nếu không được bảo vệ. Hiện nay, có một số nguy cơ phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em thường gặp phải:

Thứ nhất, trẻ tiếp cận với quá nhiều thông tin không phù hợp trên mạng.

 Môi trường INTERNET là thế giới thông tin rộng lớn, trong đó bao gồm dữ liệu, thông tin xấu, tiêu cực. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng có khả năng sàng lọc thông tin kém, dẫn đến khả năng bị ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy và cả sức khỏe nếu không được bảo vệ. 23% TRẺ EM cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng. Trẻ em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng (58%) và mạng xã hội (46%)[3].

 * CÁCH XỬ LÝ:

Để phòng tránh, xử lý, ngăn chặn nguy cơ tiếp cận với thông tin không phù hợp trên mạng, cần hướng dẫn trẻ em một số kỹ năng:

+ Biết xác thực thông tin được chia sẻ: Cần tư duy xem những tin tức được chia sẻ có thực sự đáng tin cậy hay không.

+ Không vội tin tưởng các thông tin khi chưa xác thực.

+ Kiểm tra xem ai là tác giả của tin được chia sẻ, đường dẫn của thông tin có chính xác hay chỉ là đường dẫn ảo.

+ Kiểm tra những nguồn thông tin khác nhau, nếu có nhiều người chia sẻ khác nhau, thậm chí đối lập về cùng một sự việc, thì rất có khả năng sự việc đó không chính xác.

+ Một số tin giả sử dụng hình ảnh thật để lừa đảo người đọc. Nên kiểm tra nguồn gốc của hình ảnh đó để có thể đánh giá mức độ tin cậy của thông tin.

+ Cân nhắc khi chia sẻ các thông tin xem thông tin đó có chính xác không, có ảnh hưởng như thế nào nếu đó là thông tin không chính xác.

Thứ hai là nguy cơ lọt thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ em.

 Việc lộ thông tin cá nhân không chỉ đến từ trẻ em như việc trẻ em bị dụ dỗ cung cấp thông tin; tham gia các trò chơi trên mạng,... mà còn đến từ người lớn - khi mà cha, mẹ chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, forum, diễn dàn,... cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em. Những thông tin này theo quy định pháp luật là thông tin không được thu thập. Tuy nhiên, việc thu thập trái phép thông tin của trẻ em vẫn đang diễn ra phổ biến. Với các thông tin bị tiết lộ, không ít trẻ em bị dọa nạt, tống tiền, lôi kéo tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người,... Thông tin tài khoản của trẻ cũng như của cha mẹ có thể bị mất thông tin do: Bị mất hoặc bị ăn cắp thiết bị; Bị hack (lấy cắp) hoặc nhiễm phần mềm độc hại; Rò rỉ thông tin ngoài ý muốn; Do bạn bè/người thân sơ ý; Tự cung cấp thông tin cho người khác,.

* CÁCH XỬ LÝ:

Để phòng tránh, xử lý, ngăn chặn nguy cơ lọt thông tin riêng tư, thông tin cá nhân, cần hướng dẫn trẻ em các kiến thức căn bản về:

(i)  Cài đặt mật khẩu mạnh: Sử dụng mật khẩu khó đoán, có ít nhất 6 ký tự, kết hợp số, chữ và ký tự đặc biệt; Sử dụng mật khẩu khác nhau cho các tài khoản khác nhau; Không chia sẻ mật khẩu với người khác.

(ii)  Cảnh báo đăng nhập và bảo vệ 2 lớp:

+ Cảnh báo đăng nhập: Một số ứng dụng EMAIL hoặc MẠNG XÃ HỘI có chức năng cảnh báo khi có ai đó khác đăng nhập vào tài khoản của trẻ. Cảnh báo này sẽ cho trẻ biết thiết bị nào đang cố gắng đăng nhập vào tài khoản của trẻ cũng như vị trí đăng nhập.

+ Tính năng xác thực 2 lớp: Trẻ sẽ được yêu cầu điền một mã xác thực mỗi khi đăng nhập vào tài khoản email hoặc mạng xã hội hoặc máy tính mới. Nếu người lạ cố gắng xâm nhập vào tài khoản của trẻ, họ sẽ không thể đăng nhập được vì không có mã khóa này.

(iii)    Đăng nhập an toàn:

+ Không sử dụng tài khoản Facebook hay Google, v.v. để đăng nhập vào nền tảng khác.

+ Hạn chế chọn “LƯU MẬT KHẨU” khi đăng nhập.

+ Hạn chế sử dụng thiết bị công cộng, hoặc lưu ý đăng xuất khi dùng thiết bị công cộng để truy cập tài khoản.

(iv)  Cài đặt riêng tư:

+ Đối với trang tin điện tử (website): Chặn một số trang tin điện tử hoặc nội dung không muốn xem /hay không phù hợp với trẻ.

+ Mạng xã hội: Sử dụng chế độ cài đặt riêng tư cho phép thiết lập các tính năng về quyền riêng tư (dòng thời gian, gắn thẻ, địa điểm, chế độ người xem,...).

(v)  Kết nối chọn lọc: Cân nhắc trước khi kết bạn “CHẤT LƯỢNG HƠN SÔ LƯỢNG”. Đặt ra một số tiêu chuẩn kết bạn như “có nhiều bạn chung”, “học cùng trường”, v.v và nên kiểm tra danh tính, hồ sơ người muốn kết nối với trẻ hoặc trẻ muốn kết nối.

Thứ ba, nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện internet.

 Nhiều trẻ em nghiện các chương trình, trò chơi trực tuyến mà bỏ bê việc học tập, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới cuộc sống; bị ảo tưởng bởi các trò chơi có nội dung bạo lực, không lành mạnh, cho rằng cuộc sống ngoài đời thực là những gì đang diễn ra trong trò chơi và gây ra những hậu quả đáng tiếc. Một số trẻ trở nên nghiện INTERNET và tìm tới INTERNET bất cứ lúc nào rãnh rỗi, quên ăn, quên ngủ với phim ảnh, chat, game. Theo số liệu WHO, 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.

*     CÁCH XỬ LÝ:

Để phòng tránh, xử lý, ngăn chặn nguy cơ nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện internet, cần phải:

+ Hỗ trợ, tư vấn trẻ trong việc lựa chọn trò chơi phù hợp, lựa chọn những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, văn hóa và có tính chất giáo dục, không chơi game có chứa yếu tố bạo lực, đánh bạc, khiêu dâm hoặc sai lệch về đạo đức.

+ Sắp xếp thời gian phù hợp khi chơi game (không quá 6 giờ/tuần = bình quân khoảng 50 phút/ngày) để không ảnh hưởng tới những hoạt động khác trong cuộc sống.

+ Không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản với người chơi khác.

+ Cảnh báo, báo cáo nhà cung cấp dịch vụ khi gặp các thông tin, quảng cáo có nội dung không phù hợp.

+ Không gặp mặt các game thủ khác ngoài đời thật.

Thứ tư, trẻ em dễ dàng bị bắt nạt trên mạng

Đây là một vấn nạn cực kỳ nguy hiểm, gây hậu quả nặng nề và bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể là một nạn nhân trong số đó. Hành vi bắt nạt có thể diễn ra ở bất kỳ đâu và với nhiều hình thức khác nhau như xúc phạm, lăng mạ; quấy rầy, gây rối, đeo bám; phao tin, bịa đặt, đồn nhảm; giả mạo, ăn cắp danh tính, giả danh; xâm phạm, xuyên tạc đời tư; lừa dối; cô lập, tẩy chay. Việc trẻ bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn khi trẻ bị bắt nạt trong thực tế. Bởi lẽ, nếu bị bắt nạt ngoài đời, trẻ có thể sẽ quên sau một thời gian. Nhưng khi bị bắt nạt trên mạng, bị ghi lại hình ảnh và phát tán trên mạng hoặc trong cộng đồng thì nỗi ám ảnh về bị bắt nạt ngày càng gia tăng và nhiều trẻ em cảm thấy không có lối thoát. Theo nghiên cứu Microsoft, 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”. 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Thường những trẻ từ 10 - 14 tuổi sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất.

*     CÁCH XỬ LÝ:

Để phòng tránh, xử lý, ngăn chặn nguy cơ bị bắt nạt trên mạng, cần hướng dẫn trẻ em nếu thấy tình trạng bắt nạt trên mạng, hãy:

+ Để riêng tư: Cài đặt quyền riêng tư trên mạng xã hội để không phải ai cũng có được thông tin của mình.

+ Lờ đi (Ignore).

+ Chặn: Chặn / Báo cáo tài khoản của người bắt nạt mình trên mạng nếu tình trạng đó tiếp tục diễn ra.

+ Lấy bằng chứng, trao đổi với người lớn hoặc gọi điện cho TÔNG ĐÀI 111.

+ Tự bảo vệ quyền riêng tư của mình và tôn trọng riêng tư của người khác.

+ Không đưa thông tin của mình cho người khác.

+ Không tham gia, tiếp tay cho bắt nạt trên mạng.

Thứ năm là việc bị gạ gẫm và xâm hại tình dục trên mạng.

 Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là tiếp cận trẻ em thông qua các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò, ứng dụng trò chuyện, trò chơi trực tuyến; dụ dỗ, hứa hẹn bằng tình cảm hoặc vật chất (cho vay tiền, tặng quà) hoặc tiếp cận, gặp gỡ trẻ em ngoài thực tế để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục như: Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm; dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em khỏa thân và truyền tải trực tiếp âm thanh, hình ảnh qua internet (livestream); trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt trẻ em; trình chiếu các nội dung khiêu dâm cho trẻ em xem....

Số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 5 triệu cuộc gọi đến, đã tư vấn hỗ trợ, can thiệp cho gần 10.000 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em, trong đó có 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 25,75%.

* CÁCH XỬ LÝ:

Để phòng tránh, xử lý, ngăn chặn nguy cơ bị gạ gẫm và xâm hại tình dục trên mạng, cần hướng dẫn trẻ một số kỹ năng:

+ Có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể khi kết bạn.

+ Mỗi người đều có quyền kiểm soát cơ thể mình và trẻ em hoàn toàn có thể nói “KHÔNG” khi không muốn điều gì đó.

+ Trẻ em không có trách nhiệm cung cấp tên, gửi ảnh hay cho người khác nhìn thấy mình qua webcam.

+ Không gặp bạn bè trên mạng một mình mà không hỏi ý kiến người thân.

+ Không đăng tải thông tin riêng tư, cá nhân hay những hình ảnh tự sướng có tính chất hở hang, cũng như đặt những nickname không phù hợp, vì đó là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.

+ Sử dụng các công cụ báo cáo, chặn khi thấy có những nội dung hoặc người kết bạn không phù hợp.

+ Khi nhắn tin và gặp các tin nhắn khiêu khích tình dục, trẻ em cần ngừng nhắn tin, chặn và báo lại cho cha mẹ, thầy cô để được hỗ trợ.

III.    CHA MẸ CÙNG ĐỒNG HÀNH ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Việc trao đổi, thỏa thuận giữa cha mẹ và con cái về các nguyên tắc đảm bảo an toàn từ khi trẻ còn nhỏ có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ phòng tránh và ứng phó với những rủi ro trên môi trường mạng, đồng thời duy trì mối quan hệ tôn trọng và tin tưởng giữa cha mẹ và con cái. Lưu ý với mỗi độ tuổi của trẻ, cách đặt vấn đề của cha mẹ sẽ khác nhau theo đặc điểm lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ.

-     Độ tuổi 0 - 3 tuổi:

 Trẻ ở giai đoạn này cần được sự quan tâm, yêu thương của người chăm sóc, trẻ có nhu cầu nhiều về tình cảm đối với người mẹ, nhu cầu được gắn bó mật thiết với người chăm sóc. Trẻ tích cực thăm dò thế giới xung quanh, trẻ thích tự tiếp xúc với đồ vật bằng cảm giác và vận động. Giai đoạn này trẻ muốn giao tiếp nhiều với người lớn thông qua ngôn ngữ vì thế trẻ chủ động tiếp xúc với người lớn, trẻ hiểu lời nói trước khi biết nói. Ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này bắt đầu hình thành với các từ đơn, cụm từ và câu đơn giản. Vì vậy, ở giai đoạn này, trẻ nên được tích cực tương tác và nói chuyện với mọi người để phát triển tư duy về biểu đạt và cảm xúc. Cha mẹ chưa nên đặt vấn đề với trẻ em về internet, cũng không để trẻ sử dụng tùy ý các thiết bị di động, điện thoại thông minh để xem các chương trình trên internet.

-     Độ tuổi 3 - 6 tuổi:

 Trong giai đoạn này trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách nhanh chóng, hoạt động tiếp xúc với đồ vật ngày càng mở rộng, vốn từ tăng nhanh, biết nói thành câu, biết lắng nghe và kể chuyện. Trẻ thích thú trong các hoạt động trò chơi, học nói, học ăn hay đặt câu hỏi tại sao và bắt đầu đưa ra ý kiến. Giai đoạn này cái tôi của trẻ được hình thành, trong quan hệ tình cảm trẻ tiến tới nhận ra vị trí của mình với mọi người, thoát khỏi đòi hỏi tuyệt đối về mình. Đây được coi là độ tuổi vàng để phát triển trí tuệ, kỹ năng cho trẻ. Vì vậy, để trẻ phát triển toàn diện và vượt bậc trong giai đoạn này, người lớn cần nhiều thời gian tổ chức các hoạt động vui chơi, khám phá môi trường xung quanh thay vì dành thời gian cho trẻ xem các thiết bị điện tử. Chính vì thế, cha mẹ vẫn nên đặt ra giới hạn nghiêm cho trẻ trong việc sử dụng Internet. Trẻ em trong độ tuổi này không nên sử dụng INTERNET quá 1 tiếng/ngày (Nguồn: iEEE.org). Tuy nhiên, trẻ em trong thời đại công nghệ số bước đầu có thể khám phá internet cùng cha mẹ bằng cách xem một số chương trình hoặc chơi một số trò chơi giáo dục hoặc phát triển trí não trẻ. Hãy cởi mở chia sẻ, đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi của trẻ. Điều này còn giúp thúc đẩy việc tương tác và trải nghiệm cùng nhau trên internet giữa cha mẹ và con cái. Việc giải thích rõ ràng, từ tốn, thận trọng cho trẻ khi đặt ra các giới hạn về thời gian sử dụng internet và chương trình trẻ có thể cùng xem với cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát tốt hơn.

-     Độ tuổi 6 -11 tuổi:

 Hoạt động chủ yếu của giai đoạn này là học tập, bước vào các hoạt động trí nhớ, tư duy để trẻ bước vào trường học, đây là bước ngoặt quan trọng. Nội dung học tập được mở rộng nên ngôn ngữ của trẻ vượt ra phạm vi những từ ngữ sinh hoạt cụ thể mà đã bao gồm nhiều khái niệm khoa học trừu tượng. Đến cuối độ tuổi này nhân cách của trẻ được hình thành với những nếp sống, thói quen, những hành vi có ý thức, tự khép mình vào quy tắc xã hội hoặc theo những giá trị bản thân đã chấp nhận. Từ quan hệ ruột thịt dần dần chuyển sang quan hệ xã hội, trẻ có sự thay đổi môi trường sống, không phải môi trường quen thuộc như trước đây mà vươn ra quan hệ ngoài xã hội như là quan hệ thầy cô, bạn bè. Đây là giai đoạn hình mẫu, cho nên cha mẹ ở giai đoạn này không phải là người toàn năng trước mặt trẻ nữa mà vai trò hình mẫu rất quan trọng ở giai đoạn này. Việc người lớn sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Trẻ có xu hướng làm theo người lớn. Thêm nữa cha mẹ nên có một bản thỏa thuận rõ ràng với trẻ về thời lượng sử dụng internet trong ngày, nội dung trẻ có thể truy cập.

Ở độ tuổi này, với nhu cầu độc lập lớn hơn của trẻ, việc thiết lập duy trì sử dụng internet cùng nhau sẽ khó khăn hơn với cha mẹ. Trẻ sẽ muốn sử dụng internet một mình. Cha mẹ nên một mặt tiếp tục duy trì việc nói chuyện và cùng con khám phá một vài hoạt động trên internet để tạo sự tin tưởng, gần gũi và tương tác với trẻ, một mặt tạo điều kiện cho trẻ sử dụng internet và khám phá độc lập. Tuy nhiên, cha mẹ nên để trẻ sử dụng máy vi tính thay vì thiết bị cầm tay và để máy tính ở khu vực cha mẹ có thể kiểm soát được. Ngoài ra, có một số phần mềm giới hạn thời gian và các trang web cha mẹ có thể sử dụng. Trẻ em trong độ tuổi này không nên sử dụng internet quá 2 giờ/ngày (Nguồn: iEE.org). Hãy đảm bảo trẻ có thời gian để vui chơi, tương tác bên ngoài, dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Ở độ tuổi 8-10, cha mẹ đã có thể bắt đầu nói chuyện với trẻ về các rủi ro trên internet để củng cố việc trẻ kiểm soát cá nhân.

-     Độ tuổi 12 -15 tuổi:

 Bước sang độ tuổi này (thiếu niên), trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân, ý thức bản thân được coi là một bước biến chuyển. Bước biến chuyển này giúp thiếu niên nhận thức, đánh giá được bản thân. Dựa vào những tiêu chuẩn đánh giá của mọi người, thiếu niên sẽ xem xét hành vi và hoạt động của mình có phù hợp với yêu cầu của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn này thiếu niên cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Do đó đôi khi chỉ là những thành công nhỏ được người khác quá chú ý cũng dễ tạo cho các em cảm giác tự cao, đánh giá quá cao bản thân của mình. Trái lại những thất bại nhỏ nếu bị dè biểu cũng có thể gây cho các em sự rụt rè, tự ti. Sự ổn định hình thành nhân cách trước đây sẽ bị phá vỡ, tạo nên sự thay đổi cấu trúc nhân cách, từ trẻ em sang người lớn trưởng thành. Quan hệ xã hội của các em từ mối quan hệ cha mẹ chuyển sang mối quan hệ bạn bè. Trong gia đình cha mẹ tạo điều kiện cho các em nhiều quyền độc lập hơn và những yêu cầu cao hơn. Thiếu niên thường không muốn sự chăm sóc quá tỉ mỉ, quan tâm quá mức của cha mẹ. Trong gia đình các em mong muốn cha mẹ tôn trọng ý kiến của các em hơn là chiều chuộng. Thường các em chưa nhận thức được mặt tốt và mặt xấu ở ngoài xã hội, trong khi đây là lứa tuổi hay tìm kiếm, thực nghiệm và chống đối. Vì vậy các em cần có sự quan tâm hỗ trợ, dìu dắt hướng dẫn của người lớn. Các em từng bước tự chủ trong học tập và công việc. Vì vậy, các em cần có chỗ dựa tình cảm của người thân để tâm sự và chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm,... Sau một thời gian các em sẽ đánh giá, xác định cho bản thân nhân cách mới, nhân cách trưởng thành.

Trẻ có nhu cầu độc lập trong sử dụng và tìm kiếm thông tin trên internet, bắt đầu có các phản ứng nếu bị can thiệp vào sự độc lập và riêng tư. Tuy nhiên, trẻ vẫn sẵn sàng dành thời gian cho cha mẹ nhưng hạn chế hơn. Trẻ có nhu cầu độc lập và tương tác xã hội rất lớn, bắt đầu có nhu cầu và quan tâm tới các vấn đề liên quan đến tình dục. Trẻ bắt đầu ưa thích và có khả năng nghiện internet, tương tác trên internet nhiều hơn ngoài đời thực.

Đây là giai đoạn trẻ có thể phát triển kỹ năng vượt trội khi sử dụng INTERNET. Do đó cha mẹ cần tỏ thái độ sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ trẻ. Trẻ cũng có thể sử dụng các ngôn ngữ và ký tự lạ, cha mẹ nên bắt đầu thích nghi và tìm hiểu ngôn ngữ mà con sử dụng trên mạng. Tiếp tục thoả thuận với con về thời gian sử dụng internet mà không ảnh hưởng đến thời gian vui chơi và tương tác bên ngoài. Thời gian sử dụng các thiết bị tổng trong ngày không quá 2 giờ bao gồm cả thời gian con dùng các thiết bị cho việc học tập (Nguồn: iEEE.org). Nói chuyện với con về các trang web con sử dụng và các bạn con kết bạn, đảm bảo rằng cha mẹ hỏi con không phải để cấm đoán hay xâm phạm riêng tư mà để có thể giúp con nếu cần thiết. Nếu cha mẹ cho rằng có trang nào đó con không nên vào, hãy giải thích rõ ràng với con.

Bắt đầu nói chuyện kỹ với con về các thông tin sai lệch trên mạng để con bắt đầu biết phân biệt đúng sai, không nên tin vào tất cả mọi thứ và có tư duy logic trên internet. Trẻ em ở độ tuổi này đã có thể “GIỎI CÔNG NGHỆ” hơn cha mẹ. Việc cha mẹ cố gắng kiểm soát bắt đầu không có tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Cha mẹ nên thẳng thắn nói chuyện với con về các rủi ro trên internet, đặc biệt là về việc bảo vệ các thông tin cá nhân, kết bạn trên internet, không trao đổi ảnh “nhạy cảm” tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục, không tham gia bắt nạt bạn bè trên mạng, v.v. Thiết lập một số nội quy cơ bản giữa cha mẹ và con cái để đảm bảo sự độc lập, riêng tư được tôn trọng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ. Thảo luận và cùng trẻ đưa ra các giả định tình huống cũng như giải pháp khi gặp các rủi ro và nguy hại trên môi trường mạng.

Khuyến khích con sử dụng các công cụ lọc chế độ công khai hay riêng tư, dùng công cụ lựa chọn hay chặn nếu cần thiết, sẵn sàng rời đi và dừng truy cập/kết nối nếu thấy khó chịu, suy nghĩ trước khi chia sẻ. Nếu con bắt đầu lập tài khoản mạng xã hội, cha mẹ hãy dành thời gian hướng dẫn và cùng con khám phá mạng xã hội. Cho trẻ biết cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ trẻ và hỗ trợ trẻ khi cần thiết, không phải kiểm soát hay chỉ trích. Nếu trẻ gặp khó khăn, trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô, từ các cơ quan chức năng.

- Độ tuổi 15 -18 tuổi:

 Trẻ bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển, hình thành cả đạo đức và các chuẩn mực hành vi ứng xử xã hội. Môi trường và bạn bè có thể ảnh hưởng tới trẻ nhiều hơn cả cha mẹ, thầy cô. Trẻ có cảm xúc xáo trộn, đôi khi muốn nổi loạn và thử nghiệm mọi thứ kể cả rủi ro. Trẻ ưa thích độc lập, bắt đầu có nhu cầu cao trong thể hiện bản thân, nhưng không phủ nhận hoàn toàn vai trò của cha mẹ. Đây là giai đoạn thách thức nhất với cha mẹ khi thảo luận với con trẻ. Hãy đảm bảo bạn giữ được bình tĩnh, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ trẻ khi thảo luận và thống nhất với trẻ những nguyên tắc an toàn để bảo vệ cho trẻ và cả gia đình. Nếu trẻ mắc lỗi hoặc thậm chí cố tình làm gì sai, hãy nỗ lực giữ bình tĩnh và tiếp tục nói chuyện với trẻ thay vì quá tức giận có thể dẫn đến phản tác dụng. Hãy nhớ lại tuổi vị thành niên của mình để đưa ra các hành vi cho hợp lý. Nếu cha mẹ bắt đầu cho con sử dụng máy tính cá nhân hay chiếc điện thoại đầu tiên, hãy nắm bắt cơ hội này để nói chuyện cùng con về internet một cách cởi mở.

 Giai đoạn này, việc đảm bảo trẻ không trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục, hay lừa đảo trên mạng và biết cách ứng phó khi gặp các tình huống rủi ro khác /hoặc bị bắt nạt trên mạng rất quan trọng. Cha mẹ nên thảo luận và cùng trẻ đưa ra các tình huống giả định cũng như giải pháp khi gặp các rủi ro và nguy hại trên môi trường mạng. Khuyến khích con sử dụng các công cụ lọc chế độ công khai hay riêng tư, dùng công cụ lựa chọn hay chặn nếu cần thiết, sẵn sàng rời đi và dừng truy cập/kết nối nếu thấy khó chịu; suy nghĩ trước khi chia sẻ.

Toàn bộ nội dung: TAI LIEU TUYEN TRUYEN BAO VE TRE EM TREN MOI TRUONG MANG.signed.pdf

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH LONG AN 
 
Chịu trách nhiệm chính: Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tỉnh Long An 
Địa chỉ: Khối nhà Cơ quan 3 – Khu Trung tâm Chính trị Hành chính tỉnh Long An, số 04 Đường Song Hành, Phường 6, Thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Điện thoại:
(0272) 3826 260 * Fax: (0272) 3823 264 * Email: snnmt@longan.gov.vn
image banner